Hầu như người tiêu dùng đều nghĩ Dứa, Thơm hay Khóm đều nói chung một loại quả có vị chua, màu vàng và nhiều mắt. Vậy ba cái tên này thực chất có giống nhau không? Hãy để Cooky giải đáp thắc mắc của bạn nhé!

Điểm chung của Dứa, Thơm và Khóm


Dứa, Thơm hay Khóm là tên gọi khác nhau của một loại quả nhiệt đới với tên khoa học Ananas comosus. Loại quả này có đặc điểm nhiều mắt, thịt màu vàng, vị chua ngọt và có hàm lượng axit hữu cơ cao. Đây còn là nguồn cung cấp mangan, vitamin C và B1 dồi dào, bổ sung nhiều khoáng chất tốt cho cơ thể.


Dứa là một loại trái cây thường được ăn tươi hoặc chế biến thành nước ép, đóng hộp dưới dạng khoanh, miếng. Quả dứa cũng là một nguyên liệu nấu ăn tuyệt vời với thịt bò, vịt, heo xào vì dứa giúp thịt nhanh mềm và tạo hương vị đặc trưng. Chính vì đặc tính giống nhau nên khiến nhiều người nhầm lẫn về loại quả này.

Phân biệt Dứa, Thơm và Khóm


Ở miền Tây và một số tỉnh miền Nam, người dân có sự phân biệt rõ ràng giữa Thơm và Khóm vì đây là hai giống cây khác nhau. Thơm và Khóm được trồng nhiều ở khu vực miền Nam nên họ dễ dàng nhận biết đặc tính riêng của chúng. Còn người miền Bắc gọi chung cả Thơm và Khóm là Dứa.

Xem ngay:  Quả su su có những lợi ích gì cho sức khỏe?

Đặc điểm riêng của Thơm:

  • Các mắt của thơm thưa và giãn
  • Lá của thơm không có gai li ti
  • Trái thơm to hơn, có thể lên đến 3kg
  • Vị ngọt thanh xen cùng vị chua

Đặc điểm riêng của Khóm

  • Lá của khóm có rất nhiều gai li ti
  • Trái khóm nhỏ hơn, chỉ khoảng dưới 1kg
  • Vị ngọt rõ hơn vị chua
  • Phần thịt có màu vàng đậm

Bạn có biết: Dứa là tên gọi của loài cây khác ở Miền Tây
Ở miền Tây có hai loài cây dứa thuộc 2 loại cây hoàn toàn khác nhau. Một là cây dứa dại thường mọc gần nước, ven đê, hay được dùng làm thuốc nam. Cây còn lại là cây dứa thơm, thường được dùng để làm nước mát, thuốc nhuộm thực phẩm hoặc hương liệu.